Trò lừa bịp Chiết Mao
Trò lừa bịp Chiết Mao

Trò lừa bịp Chiết Mao

Từ năm 2012 đến 2022, Chiết Mao (tiếng Trung: 折毛; bính âm: Zhémáo), một biên tập viên của Wikipedia tiếng Trung, đã tạo ra hơn 200 bài viết được liên kết với nhau về các khía cạnh bịa đặt của lịch sử Nga thời trung cổ và được coi là một trong những trò lừa bịp lớn nhất trên Wikipedia. Kết hợp giữa yếu tố nghiên cứu với giả tưởng, những bài viết này được hư cấu dựa trên các thực thể có thật bởi Chiết Mao đã sử dụng công cụ dịch tự động để hiểu nguồn tiếng Nga và tự nghĩ thêm chi tiết lấp đầy khoảng trống trong bản dịch. Cô bắt đầu hành vi này từ năm 2010 về các chủ đề lịch sử Trung Quốc, nhưng đã chuyển sang lịch sử Nga vào năm 2012, chủ yếu tập trung vào chủ đề chính trị ở các quốc gia Slav thời trung cổ nói riêng. Nhiều bài viết lừa bịp cũng được tạo ra sau đó để chắp nối chi tiết trong những điều bịa đặt ban đầu của cô. Chiết Mao đã trốn tránh sự phát hiện trong hơn một thập kỷ bằng cách lấy được lòng tin của cộng đồng khi giả mạo bản thân là một học giả lịch sử Nga, sử dụng tài khoản rối để tạo đồng thuận ảo và lợi dụng thiện chí của cộng đồng rằng các nguồn không rõ ràng của cô phù hợp với nội dung bài viết.Vào tháng 6 năm 2022, một tiểu thuyết gia người Trung Quốc đã làm sáng tỏ sự lừa bịp của các bài viết này trong một bài đăng trực tuyến, cho biết ban đầu bị thu hút bởi câu chuyện về mỏ bạc Kashin trước khi phát hiện rằng nguồn gốc của nó không thể xác minh. Chiết Mao đã đăng tải lời xin lỗi cùng tháng, thú nhận cô không có bằng cấp giáo dục bậc cao và không thông thạo tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Cô cũng cho biết việc sử dụng tài khoản rối là do sự cô đơn và thiếu những mối quan hệ xã hội ngoài đời thực. Các biên tập viên tình nguyện đã chặn tài khoản của Chiết Mao và nhanh chóng xóa số bài viết lừa bịp của cô, mặc dù việc dọn dẹp vẫn được tiếp tục một tháng sau đó. Vụ việc đã làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của Wikipedia; các ấn phẩm truyền thông trực tuyến sau đó cũng gọi cô là "Borges phiên bản Trung Quốc" và bày tỏ sự quan tâm đến việc đọc các bài viết của cô như là một tác phẩm hư cấu độc lập.